Tiến hành tán sỏi mật qua da cho một nam bệnh nhân

Đánh giá bài viết
5/5
Nội dung bài viết
12 / 100

VTV.vn – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiến hành can thiệp tán sỏi qua do cho bệnh nhân mắc sỏi ống chủ mật.

Bệnh nhân Nguyễn Văn X. (24 tuổi), vào viện vì đau bụng, sốt. Sau khi tiến hành các thăm dò như siêu âm, xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân được kết luận mắc sỏi ống mật chủ.

Bệnh nhân được chỉ định tán sỏi mật qua da nhằm bảo tồn tối đa đường mật, cơ thắt Oddi cũng như giúp bệnh nhân phục hồi nhanh để có thể nhập học cuối kỳ. Sau khi thực hiện tán sỏi, bệnh nhân được theo dõi 3 ngày và xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn.

Tiến hành tán sỏi mật qua da cho một nam bệnh nhân - Ảnh 1.

Hình ảnh sỏi được tán và vết sẹo nhỏ sau 1 tháng của bệnh nhân

Trong năm vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành can thiệp tán sỏi mật qua da cho rất nhiều bệnh nhân. Đây là phương pháp điều trị can thiệp tối thiểu được TS. Nguyễn Thái Bình – Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang phát triển và thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam. Phương pháp có tính an toàn và hiệu quả cao, ít xâm lấn, thời gian hồi phục nhanh do không cần phẫu thuật và gây mê. Trung bình, bệnh nhân được ra viện trong vòng 7 ngày. Trong thời gian nằm viện, các bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường nên khâu chăm sóc khá đơn giản.

Sỏi đường mật trong và ngoài gan có thể tán qua da rất triệt để bằng rọ cơ học, laser hoặc điện thủy lực. Dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền và camera nội soi, bác sĩ điện quang can thiệp định hướng đưa dụng cụ đến vị trí sỏi để tán nhỏ bằng laser Holmium và bơm rửa sỏi vụn ra ngoài hay đẩy xuống ruột (tá tràng).

Phương pháp này vẫn có thể được chỉ định với các trường hợp không thể phẫu thuật hoặc nội soi ngược dòng lấy sỏi. Có thể tiến hành can thiệp đối với các bệnh nhân già yếu, có bệnh lý toàn thân phối hợp hoặc các bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật đường mật (gây dính, khó khăn khi mổ lại).

Một số biến chứng có thể xảy ra sau can thiệp hầu hết là các biến chứng nhẹ và có thể theo dõi, điều trị nội khoa. Một số trường hợp rò mật gây viêm phúc mạc hoặc áp xe lớn không thể dẫn lưu phải chỉ định phẫu thuật. Tỷ lệ gặp tử vong sau can thiệp sỏi mật là rất hiếm.

Một số chỉ định khi bị sỏi mật

– Tán sỏi mật qua da: Chỉ định cho các trường hợp có sỏi ống mật chủ, sỏi trong gan, sỏi tái phát ở các bệnh nhân đã phẫu thuật, có hẹp đường mật kèm theo, bệnh nhân già yếu hay có bệnh lý toàn thân nặng, đang trong tình trạng sốc (đặt dẫn lưu thì 1)… Trường hợp có quá nhiều sỏi hoặc sỏi kích thước lớn, phức tạp, bác sĩ sẽ sử dụng laser hoặc điện thủy lực để việc tán sỏi thuận lợi và nhanh chóng hơn.

– Tán sỏi ngược dòng qua nội soi: Chỉ định với các trường hợp có sỏi đoạn thấp ống mật chủ, sỏi nhỏ <10mm và số lượng ít. Các bác sĩ nội soi sẽ thực hiện nong hoặc cắt cơ thắt Oddi ở đoạn cuối của ống mật chủ, sau đó đưa dụng cụ lên đường mật để lấy sỏi. Tuy nhiên phương pháp này không áp dụng được với các trường hợp đã phẫu thuật nối mật ruột.

– Phẫu thuật lấy sỏi: Chỉ định khi bệnh nhân có nhiều sỏi, sỏi đúc khuôn khu trú một phần của gan, sỏi túi mật, viêm phúc mạc mật do sỏi… Phương pháp này yêu cầu phải gây mê, do đó ít áp dụng cho các bệnh nhân thể trạng kém, già yếu, đang trong tình trạng sốc…

Các phương pháp điều trị đều có những ưu nhược điểm riêng, do đó tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất hoặc phối hợp các phương pháp với nhau nhằm mang lại kết quả tối ưu nhất.

Lời khuyên cho cộng đồng

Sỏi mật có thể gây một số các biểu hiện chính, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa gan mật ngay khi thấy triệu chứng: Đau tức vùng dưới sườn phải, vàng da, chán ăn, ngứa, sốt, tiểu vàng đặc, phân bạc màu.

Một số trường hợp sỏi để lâu có thể mắc kẹt và gây một số biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc mật, áp xe gan đường mật, sốc mật, viêm tụy cấp… đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Trong hầu hết các trường hợp, sỏi mật không có biểu hiện gì đặc biệt, do đó siêu âm ổ bụng và khám sức khỏe định kỳ hàng năm là việc nên làm, không chỉ riêng đối với bệnh sỏi mật. Bác sĩ chuyên khoa có thể phát hiện dễ dàng được sỏi đường mật và các tổn thương khác qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng nhằm đánh giá sâu hơn về hình thái sỏi, mức độ tổn thương gan, đường mật và các bệnh lý khác kèm theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

*Theo: https://vtv.vn/suc-khoe/tien-hanh-tan-soi-mat-qua-da-cho-mot-nam-benh-nhan-201806112358066.htm

0 0 Các đánh giá
Xếp hạng bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Đánh giá bài viết
5/5
Chia sẻ bài viết:

Tin liên quan